Yếu tố nào quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay?

02/07/2021 12:37
Hai kịch bản đưa ra với mức tăng trưởng lần lượt là 6,5% và 7,5% chỉ đạt được khi dịch Covid-19 được khống chế, không có ổ dịch ở khu công nghiệp và các tỉnh thành trọng điểm kinh tế...

 

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối nay (1/7), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã thông tin về tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trên cơ sở kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 5,64%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ 2 kịch bản. Cụ thể:

Kịch bản thứ nhất: Tăng trưởng đạt 6% hết năm nay theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Mức tăng trưởng này đạt được với điều kiện dịch cơ bản được khống chế, không có các ổ dịch ở các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế không bị giãn cách xã hội. Theo đó, đến quý III sẽ đạt tăng trưởng khoảng 6,2%, quý IV sẽ đạt khoảng 6,5%.Kịch bản thứ 2: Tăng trưởng đạt 6,5% theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Mục tiêu này đạt được với điều kiện cơ bản khống chế được dịch trong tháng 6 năm nay, không có các ổ dịch tại khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố không bị giãn cách xã hội. Với kịch bản này thì đến quý III mức tăng trưởng từ 7% trở lên và quý IV phải tăng 7,5% trở lên.

"Đây là mục tiêu rất khó khăn" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh về kịch bản tăng trưởng thứ 2 và cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp thì "khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5%" theo kịch bản thứ nhất.

Yếu tố nào quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương (Ảnh: Đỗ Linh).

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm gồm: Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh; Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng với đó, các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt gần 58% dự toán, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch Covid-19; Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện...

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tới thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

"Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có nơi, có lúc lại phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này" - Thủ tướng cho biết và lấy ví dụ Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Yếu tố nào quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay?

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 1/7 (Ảnh: Đỗ Linh).

Theo Thủ tướng, một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch.

"Ngay trong một địa phương như TPHCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế" - Thủ tướng yêu cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới ví dụ về kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu phát triển các ngành dịch vụ, thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng - an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật...

Theo dantri.com.vn

Yếu tố nào quyết định tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay? - Tài Chính