Xuất hiện thế lực mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam

02/09/2020 08:17
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc đang hình thành một "thế lực" và tái tạo cuộc chơi mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Nhiều điểm sáng hỗ trợ thị trường chứng khoánĐiểm mới tại dự thảo Thông tư hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoánĐón cơ hội đầu tư cổ phiếu cuối nămGiao dịch trực tuyến: Giải pháp “cứu nguy” trong mùa dịch

Tính đến cuối quý II/2020, tổng dư nợ cho vay (margin và ứng trước tiền bán chứng khoán) của các CTCK ở mức 55.882,5 tỷ đồng, tăng gần 1,7% so với dư nợ cuối quý II/2019 và tăng 11% so với cuối quý I/2020.

So với cùng thời điểm năm trước, dư nợ cho vay khối tiếp tục xu hướng chuyển dịch về khối công ty chứng khoán (CTCK) vốn Hàn Quốc như Mirae Asset (8.575 tỷ đồng), KIS Việt Nam (3.084 tỷ đồng) và KB Việt Nam (KBSV 2.339 tỷ đồng).

Liên tiếp M&A

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, The Kwangju Bank, Ltd. sở hữu 100% - ngân hàng thương mại thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group.JB được hình thành thông qua việc mua đứt CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS) với mức giá 382,4 tỷ đồng (16,5 triệu USD). Sau khi hoàn tất thương vụ, Kwangju Bank cho biết sẽ tăng vốn MSGS gấp đôi lên 600 tỷ đồng.

Nếu thương vụ hoàn tất, JB Financial Group có thể thực hiện các hoạt động môi giới bất động sản, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Ngoài ra, JB Financial có kế hoạch bảo lãnh cho các công ty Việt Nam thực hiện phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi cũng như các thương vụ M&A.

Xuất hiện thế lực mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Sự tham gia ngày càng sâu của các CTCK có vốn Hàn Quốc đang "đe doạ ngôi vị" của các CTCK nội.

Được biết, MGSG tiền thân là CTCK Hướng Việt được thành lập vào ngày 29/12/2006 có trụ sở tại số 8, Phố Thiền Quang, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2008 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự phát triển của công ty với sự tham gia 49% vốn góp của Morgan Stanley, đồng thời được giấy phép của UBCKNN cho phép đổi tên thành Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt, mở rộng ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ lên 300 tỷ đồng.

Trước đó, Hanwha đã mua lại 90% vốn của CTCK HFT và đổi tên thành CTCK Pinetree. CTCK HFT tiền thân là CTCK Mê Kông từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2009-2011với một loạt hoạt động rầm rộ.

Bên cạnh Pinetree, JB Việt Nam thị trường chứng khoán còn có các CTCK vốn Hàn Quốc "đình đám" khác là KIS, Mirae Asset, KBSV (tiền thân chứng khoán Maritime), CTCK Shinhan Việt Nam (tiền thân là CTCK Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân CTCK Woori CBV).

Thực tế, trong những năm gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến dòng vốn Hàn Quốc đổ bộ mạnh thông qua nhiều thương vụ M&A đình đám tại nhóm các CTCK. Điều này thật ra không bất ngờ bởi hoạt động này nằm trong làn sóng vốn đầu tư gián tiếp (FII) "xứ sở kim chi" vào Việt Nam.

Sự hiện diện ngày càng sâu vào thị trường chứng khoán Việt Nam của các CTCK mang dòng vốn Hàn Quốc đang tạo lập một cuộc chơi mới với lợi thế về tiềm lực dòng vốn rẻ, nhóm các CTCK này đã tăng tốc cho vay margin, giảm phí giao dịch tạo áp lực cạnh tranh với các các "ông lớn" nội như SSI, HSC.

Tiềm lực tương lai

Trong một phát biểu trước đây của ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN về động thái liên tiếp mua lại các CTCK của các đối tác Hàn Quốc cho biết, việc các CTCK lớn nhất Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam và tăng vốn rất nhanh đã tạo ra lực cầu cho thị trường, góp phần tái cấu trúc lại ngành chứng khoán trong bối cảnh nhiều công ty đang suy yếu về tài chính.

Thực tế, câu chuyện "buôn tài không bằng dài vốn" là một yếu tố cốt lõi trong cuộc chiến thị phần và đây lại là thế mạnh của nhóm CTCK Hàn Quốc. Một ví dụ điểm hình là tính đến ngày 30/6/2020, tổng tài sản của Mirea Asset đạt 7.584,8 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm.

Trong đó,tài sản ngắn hạn tăng từ 6.101 tỷ đồng lên thành 6.722,8 tỷ đồng. Các khoản cho vay tăng gần 40% và đạt 5.006 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay giao dịch ký quỹ với 4.861,8 tỷ đồng, còn lại là phần tạm ứng tiền bán chứng khoán cho khách hàng.

Hưởng lợi từ nguồn tài chính dồi dào của công ty mẹ, Mirea Asset hiện nay đang trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất ngành chứng khoán. Đồng thời cũng là CTCK có tăng trưởng dư nợ cho vay ký quỹ lớn nhất thị trường trong 6 tháng qua.

Trước đó, trong năm 2019, giá trị tăng trưởng cho vay ký quỹ của Mirea Asset nhiều hơn tổng giá trị tăng trưởng cho vay ký quỹ của 7 CTCK nội gồm SSI, HSC, Bản Việt, VNDirect, MBS, VPS và TCBS. Kết quả là, công ty chứng khoán này bất ngờ vươn lên đứng thứ 6 về thị phần trên sàn HoSE năm vừa qua.

Giá trị cho vay ký quỹ lớn, thị phần ngày càng mở rông cũng là diễn biến chung của khối các CTCK có vốn Hàn Quốc đã thể hiện rõ lợi thế trong cuộc chiến giành giật thị phần. Theo nhận định của các chuyên gia, chiến lược giá rẻ của nhóm này còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các CTCK trên thị trường trong những năm vừa qua và có thể là những năm tới đây.

Từ thành công của Mirea Asset, KIS Việt Nam, KBSV... thì những CTCK mới được M&A như JB Việt Nam, Pinetreecàng có niềm tin về việc một CTCK nào đó nếu xây dựng được thương hiệu, hệ thống tốt, có uy tín thì việc "phất" lên chỉ là vấn đề thời gian và đây là điều đáng để chờ đợi và đầu tư.

 

Theo tapchitaichinh.vn

Xuất hiện thế lực mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Chứng Khoán