Năm 2006, Trương Thanh Phong nhập ngũ vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Với sự hoạt bát, năng nổ cùng tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, sau thời gian huấn luyện, anh được đơn vị cử đi học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chuyên ngành quản lý văn hóa.
Gia đình Đại úy QNCN Trương Thanh Phong và Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Ánh.
Tốt nghiệp, anh trở lại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 công tác. Lúc này, chị Nguyễn Thị Ánh đang công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 4, Quân đoàn 4. Khoảng cách từ Sư đoàn 9 đến Bệnh viện Quân y 4 hơn 40km, nhưng nhà chị lại gần cổng đơn vị anh Phong công tác. Trong những lần giao lưu văn nghệ với địa phương, anh Phong biết chị Ánh nhưng chưa có điều kiện nói chuyện nhiều. Phải đến khi anh được điều chuyển công tác về Cục Chính trị Quân đoàn 4, họ mới có cơ hội gặp nhau nhiều hơn. Tình cảm của cả hai cũng theo đó bước sang những cung bậc mới.
Trải lòng cùng chúng tôi, chị Ánh nói: “Trong thời gian hai năm yêu nhau, chúng tôi trải qua những thời điểm sóng gió bởi quan điểm sống chưa thật tương đồng, rồi gia đình hai bên khác nhau về phong tục tập quán... nhưng vì “trót” yêu nên cả hai lại tự bảo nhau phải thay đổi để có thể gắn bó bên nhau”.
Bắt đầu cuộc sống vợ chồng khi cả hai chưa có tích lũy về kinh tế, chị Ánh lại mang bầu, khiến cuộc sống thêm phần khó khăn. Để chăm lo cho gia đình nhỏ, anh Phong học thêm quay phim, chụp ảnh, dựng phim để tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ có việc làm thêm. Thế rồi cậu con trai Trương Thành Long chào đời, tổ ấm thêm tiếng cười rộn ràng của con trẻ.
Cách đây 4 năm, cuộc sống gia đình anh chị có sự thay đổi lớn khi Đại úy QNCN Trương Thanh Phong được điều chuyển công tác về Phòng Quay phim, Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội. Cũng từ đó, anh thường xuyên công tác xa nhà, mọi việc chăm sóc con cái, đối nội, đối ngoại trong gia đình trông chờ vào một tay chị Ánh. Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Ánh kể: “Vất vả nhất là thời điểm dịch Covid-19, con nhỏ, trong khi yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi tôi phải trực tiếp về cơ sở, chồng lại thường xuyên không có mặt ở nhà. Nhiều lúc mệt mỏi, căng thẳng và tủi thân vô cùng. Những lúc như thế, chúng tôi chỉ biết gọi điện thoại chia sẻ, rồi lại tự động viên nhau cùng cố gắng”.
Lúc này, hai vợ chồng lại tiếp tục đối mặt với một thử thách: Cha ruột của anh Phong bị bệnh suy giảm trí nhớ. Sau nhiều lần cân nhắc, bàn bạc, anh Phong động viên vợ chuyển công tác về gần nhà bố mẹ chồng. Được sự tạo điều kiện của thủ trưởng các cấp, chị Ánh được điều chuyển công tác về Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không-Không quân, cách nhà bố mẹ chồng chị 50km.
Cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường với gia đình nhỏ: Anh Phong thực hiện nhiệm vụ ở TP Hồ Chí Minh, còn chị Ánh cũng quen dần với công việc và cuộc sống tại TP Cần Thơ. Cũng từ đó, vào dịp cuối tuần, hai mẹ con có trách nhiệm về động viên, chăm sóc, đỡ đần ông bà nội. Và mỗi khi thu xếp được công việc, anh Phong lại vượt quãng đường gần 200km về với tổ ấm nhỏ. “Cuộc sống dẫu còn khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng luôn đồng lòng là tiền đề quan trọng giúp chúng tôi xây dựng tổ ấm và hết mình thực hiện nhiệm vụ”, Đại úy QNCN Trương Thanh Phong nở nụ cười rạng rỡ nói.