Trồng lúa không phải để bán chứng chỉ carbon

04/09/2024 16:23

Mục đích của đề án trồng lúa phát thải thấp là giảm chi phí, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người trồng lúa, chứ không phải để bán chứng chỉ carbon.

Trồng lúa không phải để bán chứng chỉ carbon

Ông Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị ngày 4-9 ở Sóc Trăng - Ảnh: KHẮC TÂM

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tại hội nghị sơ kết thực hiện 7 mô hình thí điểm vụ thứ nhất thuộc đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được tổ chức ngày 4-9 tại Sóc Trăng.

Theo ông Nam, dù chưa thu hoạch hết, bước đầu có thể khẳng định mô hình thí điểm thuộc đề án tổ chức tại 5 tỉnh, thành gồm: TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đạt kết quả khả quan.

"Thành công nhất của đề án là nông dân đã có chuyển biến tích cực, tham gia hăng say nên đạt hiệu quả như kỳ vọng", ông Nam nói.

Ông Nam cho biết sáng cùng ngày, tại cánh đồng thí điểm ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, ông hỏi tới hỏi lui nông dân là chi phí sản xuất của mô hình vụ này là bao nhiêu. Nhiều nông dân trả lời chắc nịch chỉ khoảng trên 2 triệu đồng/công (1.000m

). Năng suất khoảng 700kg, được doanh nghiệp bao tiêu với giá 10.800 đồng/kg, tính ra trừ chi phí còn lời trên 5 triệu đồng/công.

"Đây mới là mục tiêu của đề án, làm sao giảm được chi phí, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân, chứ không phải bán chứng chỉ carbon. Chúng tôi rất vui vì thu nhập của người trồng lúa theo mô hình đã tăng thêm", ông Nam nói.

Ông Nam kể, có nhà báo hỏi ông xung quanh vướng mắc bán chứng chỉ carbon và bị ông gạt ngay: "Tôi không biết, đề án này không phải chỉ để bán chứng chỉ carbon. Tôi nhắc đi nhắc lại cả trăm lần rồi, cơ bản là tăng thu nhập cho người trồng lúa, giảm chi phí".

Theo ông Nam, cái được tiếp theo của đề án là đã xây dựng được phương thức sản xuất, có sự kiên kết đầu tư, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

"Từ kết quả đạt được ban đầu, bộ đang phối hợp các địa phương mở rộng diện tích trong vụ đông xuân tới để tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến tăng lên 200.000ha vào năm 2025", ông Nam cho biết.

Trồng lúa không phải để bán chứng chỉ carbon

Ngày 29-8, ông Trần Thanh Nam - thứ trưởng Bộ NN&PTNT - dẫn đầu đoàn công tác đến khảo sát mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh theo đề án 1 triệu héc ta tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.

KHẮC TÂM

Theo Nguồn tuoitre.vn

Trồng lúa không phải để bán chứng chỉ carbon - TIN TỨC