Vùng trồng hoa ở xã Gia Tân 3 là làng hoa lớn nhất tại tỉnh Đồng Nai với diện tích khoảng gần 20ha. Gần Tết, khung cảnh tại đây tuyệt đẹp với những vườn hoa, những khu nhà vườn đủ màu sắc.
Đến thời điểm này, hàng ngàn chậu hoa đã ra búp, nở hoa.
Anh Ngô Hồng Khánh năm nay 50 tuối, thì đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nghề trồng hoa.
Anh Khánh cho biết, do ảnh hưởng kinh tế nên lượng hoa nơi đây cung cấp cho thị trường giảm nhiều so với 3 năm về trước.
"Trước đây, chúng tôi trồng nhiều loại hoa đa dạng hơn. Bây giờ, tỷ lệ hoa trồng giảm khoảng 20-30%. Hiện tại, các nhà vườn chỉ trồng chủ yếu các loại hoa như hoa tulip, đại đoá, mồng gà và hoa vạn thọ", anh Khánh nói.
Khu vực trộn đất và phân cho vào chậu để cấy các mầm giống từng loại hoa sau khi lên luống.
Anh Khánh chia sẻ về nghề trồng hoa Tết, cứ vào dịp đầu tháng 6 dương lịch người dân trồng hoa bắt đầu xuống vười làm đất lên luống, trộn đất cho lên chậu nhiều kích thước khác nhau cho từng loại hoa.
Sau đó, các giống hoa được cung cấp từ các nhà vườn chuyên trồng hoa từ Đà lạt được chuyển về theo đơn đặt hàng. Từ cây giống đó, người dân trồng lên phần đất đã được chuẩn bị sẵn. Sau thời gian được chăm bón, cây giống phát triển, hàng chục công nhân ngắt mầm tiếp tục trồng lên các chậu.
Hoa mồng gà được người dân trồng lên loại chậu nhỏ.
Anh Khánh cho biết thêm, sau khi các mầm giống được cấy lên chậu, sẽ tiếp tục được chăm sóc rất kỹ lưỡng, như các khâu: tưới hàng ngày để cây được đủ ẩm, bón phân xịt thuốc, nhổ cỏ theo chu kỳ để các cành cây giống được phát triển đều thì ngày cây trổ bông mới đẹp được.
Sau thời gian được chăm sóc, các chậu cây bắt đầu ra búp trổ bông thời điểm này là khâu quan trọng nhất, làm sao đừng để cháy lá hoa không bị thối, bảo vệ các búp tránh sâu bọ tấn công và tiếp tục tỉa búp, tỉa nụ cho chậu hoa được đều bông.
Sau đó, các công nhân chụp các lưới xốp lên từng bông đã được nở để bảo vệ cho từng bông hoa (nguời trồng hoa thường gọi mặc áo cho hoa).
Hàng ngàn chậu hoa pha lê đang được chăm sóc.
Tấp nập ngày cận Tết
Cách Tết Nguyên đán chừng 1 tháng là thương lái các nơi đổ về đây, đặt cọc trước để mua hoa. Từ ngày 16 tháng Chạp, thương lái bắt đầu đến lấy hàng vận chuyển đến các nơi bán, vận chuyển về cung cấp cho thị hoa Tết các tỉnh thành lân cận chủ yếu các tỉnh như Tp.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chăm sóc, nhổ cỏ cho hoa một cách tỉ mỉ là công việc hàng ngày của những người làm nghề trồng hoa.
Anh Khánh cho hay: “Thời điểm nhộn nhịp nhất của làng hoa Tết là từ ngày 16 đến 25 tháng Chạp. Lúc đó, thương lái, người mua ra vào nhộn nhịp từ sáng sớm tới đêm khuya. Đây là lúc làng hoa rực rỡ sắc xuân và đẹp nhất”.
Cũng theo anh Khánh, nhiều gia đình ở đây có đến 2-3 đời cùng làm hoa Tết.
Những người dân trên cánh đồng hoa sau giờ làm việc.
Dù vậy, làng hoa ở xã Gia Tân cũng trải qua không ít thăng trầm vì có năm tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hoa khó bán, phải giảm giá, người trồng hoa đành phải lấy công làm lời.
“Những người có công đưa nghề trồng hoa về ấp Phúc Nhạc 2, xã Gia Tân đầu tiên nay cũng đều đã ngoài 60 tuổi. Trong đó, có những gia đình nghề trồng hoa Tết được truyền qua 3 thế hệ. Hiện nay, các hộ đã trồng đa dạng các loài hoa để cung ứng cho thị trường và diện tích được mở rộng theo từng năm, trở thành nơi trồng hoa có tiếng ở khu vực Đông Nam bộ”, anh Khánh cho hay.