Những cuộc chạy đua với thời gian
Mỗi năm, Hà Nội xảy ra hàng trăm vụ cháy lớn, nhỏ gây hậu quả nặng nề. Cháy, nổ đã trở thành nỗi lo thường trực của mỗi người dân và là sự ám ảnh của chính những người lính cứu hỏa. Để hạn chế những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) đã nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Khi nhận nhiệm vụ ứng cứu một vụ cháy cũng là điều không đơn giản bởi sự bất cập về giao thông. Mặc dù xe chữa cháy là diện được ưu tiên đặc biệt, nhưng mật độ phương tiện đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm khiến xe không thể đến hiện trường một cách nhanh nhất. Đơn cử như Đội PCCC và CNCH của CAQ Ba Đình nằm cạnh chợ đầu mối Long Biên. Nơi đây luôn đông đúc xe tải chở hàng vào đầu giờ sáng, nhất là những ngày lễ, Tết thì luôn ách tắc giao thông cục bộ. Vào thời điểm đó, nếu để di chuyển xe chữa cháy thoát khỏi điểm này mất rất nhiều thời gian. Và chỉ chậm vài phút là đã tuột mất cơ hội khống chế lửa cháy lan, cháy lớn.
Các phương tiện hiện đại đã giúp sức hiệu quả trong công tác PCCC |
Trước những bất cập về nguồn nước, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng công nghệ số để tăng hiệu quả chiến đấu. Cùng với đó là công tác tuyên truyền đa dạng từ mạng xã hội Zalo, Facebook… để phát huy tác dụng chữa cháy ban đầu của lực lượng cơ sở. Nổi bật trong tính linh hoạt, chủ động sáng tạo này là lập “bản đồ đường nước chữa cháy” từ năm 2021. Nhằm đạt hiệu quả cao, CATP Hà Nội đã tổ chức triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy. Các vị trí trụ nước cứu hỏa, vị trí nguồn nước tự nhiên như ao hồ… được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tạo thành bộ dữ liệu đưa lên mạng xã hội, rất thuận tiện khi tra cứu cho các đơn vị chiến đấu. Trung úy Lê Anh Dũng - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) cho biết: “Đối với những người lính cứu hỏa, mỗi vụ cháy luôn được coi là một trận đánh. Việc chữa cháy nhanh, cứu được người, tài sản, là niềm vui, niềm hạnh phúc”.
Việc triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy mà đơn vị đang triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Để có đầy đủ hệ thống dữ liệu, đơn vị đã rà soát, xác định cụ thể có 3.238 trụ nước chữa cháy của thành phố; 722 trụ nước trong các khu đô thị; 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối và 3.670 bể nước thuộc cơ sở, doanh nghiệp có khối tích trên 20m3...
Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội)
Còn nhớ, vụ cháy tại xưởng chế biến gỗ nội thất của Công ty cổ phần gỗ BKG trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội, xảy ra đầu tháng 8-2021. Đây là vụ cháy lớn bởi bên trong có rất nhiều gỗ, mùn cưa. Khi đó, việc chữa cháy được áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác nguồn nước chữa cháy nên các phương tiện tiếp nước rất kịp thời. “Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước và nhanh chóng xác định có 1 ao nước trữ lượng lớn cách điểm cháy khoảng 150m. Chỉ với 6 xe chữa cháy được huy động và nguồn nước được duy trì ổn định, liên tục, sau khoảng 2 giờ chữa cháy, đám cháy với diện tích khoảng 1.000m2 đã được khống chế, bảo vệ tài sản của các cơ sở, doanh nghiệp lân cận” - Thượng tá Đỗ Ngọc Tuấn, Phó trưởng CAH Chương Mỹ cho biết.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cứu người bị mắc kẹt trên nhà cao tầng |
Hành động vì tinh thần trách nhiệm
Cùng với bản đồ số hóa nguồn nước chữa cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) đã quyết liệt triển khai thực hiện ứng dụng (App) báo cháy 114, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Công nghệ số hóa áp dụng vào công tác xác định nhanh đám cháy, vị trí cháy… đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp lực lượng Cảnh sát PCCC, phối hợp với các đơn vị địa phương kịp thời xử lý các sự cố cháy. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính về công tác PCCC một cách đơn giản, nhanh gọn.
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội), việc triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 và hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy mà đơn vị đang triển khai đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Để có đầy đủ hệ thống dữ liệu, đơn vị đã rà soát, xác định cụ thể có 3.238 trụ nước chữa cháy của thành phố; 722 trụ nước trong các khu đô thị; 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối và 3.670 bể nước thuộc cơ sở, doanh nghiệp có khối tích trên 20m3...
Không chỉ có những đóng góp nhỏ mang lại hiệu quả lớn, xác định rõ vai trò trong công tác phòng ngừa, xử lý hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động nhiều biện pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân. Từ tuyên truyền, hỗ trợ, đến hướng dẫn, trang bị thiết bị PCCC theo cách thân thiện, gần gũi, đã giúp người dân thay đổi nhận thức, chung tay khắc phục những khó khăn trong công tác PCCC hiện nay.