Chúng tôi tìm đến con hẻm nhỏ ở đường Văn Thân, quận 6, vào chiều muộn. Lối nhỏ vào hẻm chỉ vừa chừng hai xe máy di chuyển, hai bên san sát nhà, tiếng cười nói, ti vi vang lên đúng giờ cơm tối. Giữa cơn mưa nặng hạt, chúng tôi đưa số nhà của chị Nguyễn Thị Thắm ra hỏi, hàng xóm nơi đây chỉ đường tận tình.
Vừa chỉ, một người thanh niên sống trong hẻm nói: "Nhà gần cuối hẻm này, cánh cổng màu đen, là nhà ông Năm đợt rồi mất 4 người vì COVID-19 đấy. Thương lắm!".
Tới trước cổng nhà, tiếng kinh niệm Phật vang lên, mùi nhang bay ra cửa, hình ảnh trước mắt chúng tôi là chiếc bàn thờ với 4 di ảnh...
Bi kịch
Trong căn nhà nhỏ khoảng 30 mét vuông, chị Thắm xếp ghế, rót nước mời khách. 3 người ngồi chen chúc ở gian phòng khách, vốn đã chật chội, nay còn hẹp hơn nữa bởi chiếc bàn inox dựng ở góc phòng.
Trên bàn, di ảnh của ông Năm (ba chồng), bà Tuất (mẹ chồng), anh Quang (em chồng) và anh Sơn (chồng) được chị Thắm xếp ngay ngắn. Cạnh bên, chị đặt đĩa trái cây, hộp bánh, phía trước những cây nhang đang cháy dở.
Một năm sau ngày đại dịch cướp đi 4 thành viên trong gia đình, nỗi đau hằn trong tim chị Thắm vẫn cào xé tâm can như thể đốm lửa tàn, chỉ đợi cơn gió thổi qua để bùng lên.
"Đúng ngày này 1 năm trước (ngày 25/7 Âm lịch năm Tân Sửu- PV), buổi sáng, tôi nhận tin mẹ chồng mất còn tối thì chồng mất. Chưa bao giờ mẹ con tôi khóc nhiều đến vậy, chưa bao giờ tôi thấy đứt ruột, đứt gan đến thế", chị Thắm rơi lệ, mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Người phụ nữ 40 tuổi vẫn không thể quên những ngày định mệnh của tháng 8/2021, gia đình có 6 người thì 4 người lần lượt đi bệnh viện cách ly, điều trị. Trong căn nhà nhỏ, chỉ còn mẹ con chị Thắm nương tựa vào nhau.
Nỗi đau mất người thân chưa nguôi ám ảnh chị Nguyễn Thị Thắm. (Ảnh: Hồng Nam).
Hàng ngày, chị Thắm cầm sổ khám bệnh của ba chồng, đi mua thuốc men, thực phẩm rồi tìm cách gửi vào bệnh viện để chăm sóc người thân. Nhưng diễn biến bệnh của cả 4 người cứ chuyển nặng. Ông Năm, ba chồng chị Thắm qua đời ngày 24/8/2021.
"Tôi không liên hệ được với ba suốt mấy ngày nên có linh cảm xấu. Ngày ba mất, bác sĩ gọi điện thông báo ngắn gọn. Tôi run run, không tin nổi đó là sự thật", chị Thắm kể lại.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Ngày 31/8, đến lượt anh Quang không qua khỏi. Sáng ngày 1/9, bà Tuất trút hơi thở cuối cùng. Trong 4 người thân nhập viện, chỉ còn anh Sơn, chồng chị Thắm đang điều trị, nhưng sức khỏe cũng giảm sút.
Chị vẫn ám ảnh cuộc điện thoại cuối cùng của chồng vang lên, rồi yếu dần: “Em ơi, em kêu bác sĩ giúp anh với, anh chịu hết nổi rồi”. Ở đầu dây bên kia, chị Thắm rụng rời chân tay. Thương chồng đau đớn vật vã để thở từng cơn, chị liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy, nhờ chuyển viện cho anh.
Dù vậy, chỉ vài tiếng sau khi sang bệnh viện mới, anh cũng không qua khỏi. Hôm ấy là tối 1/9. Tròn 8 ngày, 4 người thân của chị Thắm lần lượt qua đời.
Khi nhận tin người thân mất, chỉ với cuộc điện thoại ngắn ngủi - "Rất tiếc, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn đã qua đời…" -nhưng với chị Thắm nó như dài tới vô tận, đến thở cũng đau nát tâm can…
Người phụ nữ phải làm giỗ cho 4 người thân trong căn nhà trống vắng. (Ảnh: Hồng Nam).
Làm gộp giáp năm cho 4 người thân
Khoảng hơn 10 ngày sau cơn bi kịch, tro cốt của cả 4 người thân của chị Thắm lần lượt được chuyển về tận nhà. Chị khuỵ xuống. Nỗi đau này chưa dứt, nước mắt chưa kịp ngừng rơi thì nỗi đau khác lại ập đến như sóng trào.
"Dịch bệnh khiến người ta phải giữ khoảng cách. Biết nhà tôi có 4 người mất vì dịch, lại đang thời kỳ giãn cách, hàng xóm chỉ ra nhìn, cũng không ai dám đến gần", chị Thắm kể lại, nước mắt chảy dài.
Ngày ông, bà rồi ba bé Thư mất, chị Thắm giấu kín, chẳng dám nói với con. Cứ đầu giờ tối, bé Thư lại đứng trước cửa nhà, hỏi sao ông, bà rồi ba và chú đi hoài không thấy về. Thương con, chị nói ông nội đang đi viện chữa răng, mấy bận nữa mới về với cháu. Còn ba Sơn “phải đi làm việc xa, chỉ về nhà lúc trời khuya, khi ấy con ngủ mất rồi”.
"Ngày nhận hũ tro cốt, tôi mặc áo đen, cứ ngồi một mình rồi khóc. Con đến bên dựa đầu vào vai tôi rồi nói mẹ đừng khóc nữa, có con ở đây này. Tôi vẫn giấu con chuyện ông bà, ba và chú đã mất, nhưng rồi cũng không thể giấu mãi được, đành nói cho con", chị Thắm nhớ lại.
Bé Thư yêu thương mẹ và biết lo cho gia đình. (Ảnh: Hồng Nam).
Đứa trẻ vốn hằng ngày được ba đưa đi học, ông nội rước về, được bà nội chăm bẵm, bỗng dưng nhận tin họ sẽ không bao giờ quay về nữa, con gào khóc trong vô vọng. Chị Thắm không dám nhìn vào mắt con, bởi bé Thư còn quá nhỏ để chấp nhận nỗi đau quá lớn ấy. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau khóc nghẹn...
Hàng đêm, chị Thắm vẫn thủ thỉ vào tai con trước khi bé chìm vào giấc ngủ: “Con còn mẹ mà, phải mạnh mẽ lên con nhé”. Trong cơn mơ, bé Thư mơ thấy vòng tay của ba, mơ cả gia đình quây quần bên bữa cơm, mơ được bamẹ chở đi học rồi mua cho búp bê để chơi cùng chúng bạn. Trong cơn mơ, bi kịch như thể chưa từng ập xuống căn nhà nhỏ, cướp đi hạnh phúc trọn vẹn của mẹ con chị Thắm.
Lên 8 tuổi, bé Thư ngày càng thương mẹ hơn. Nếu 1 năm trước, chị Thắm ôm con an ủi thì hôm nay, đến lượt bé Thư ôm mẹ. Hai mẹ con lại quay sang nhìn nhau, đôi bàn tay đan vào nhau thật chặt.
Chị Thắm làm giỗ đầu cho 4 người thân vào đúng ngày ông Năm mất. "Tôi chọn ngày ba mất để làm giáp năm cho cả 4 người thân, rồi sau đó lên chùa cầu siêu. Ngày cúng giáp năm cho người thân phải làm gộp, xót xa vô cùng. Nó không bao giờ nguôi ngoai cả, nhưng mình nén vào trong tim để lo cho mọi việc được vẹn toàn", chị Thắm nói và cho hay, chị bị sụt mất 2 kg vì thức đêm lo lắng, chuẩn bị chu đáo.
Chị tất bật đi chợ vào bếp nấu những món đơn giản, trải bàn ghế rồi mời họ hàng, một vài người hàng xóm đến dự. Trong căn ngõ nhỏ, tiếng cười nói rôm rả, nhắc lại những câu chuyện cũ, chuyện mới của họ hàng nội, ngoại khiến phút chốc hai mẹ con quên đi cảm giác cô đơn, trống trải.
Nhưng khi màn đêm buông dần, trong căn nhà nhỏ, nhìn bốn bề lặng thinh, chỉ còn lại những bức ảnh của người thân yêu… chị Thắm lại quay mặt giấu con mà khóc. "Một năm rồi, mà tiếng nói, cười của ba mẹ, của chồng cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi, thật gần nhưng lại rất xa. Cảm giác như mới hôm qua thôi…".
Vừa nói, giọt nước người góa phụ vừa rơi xuống, lăn dài trên gương mặt gầy gò, chị đứng dậy, thắp thêm nén nhang trên ban thờ và bắt đầu niệm Phật. Sau những ngày khóc cạn nước mắt cho những đau thương của 1 năm trước, khi nhớ lại, chị vẫn nghẹn ngào, nức nở.
Với chị Thắm, niềm an ủi lớn nhất lúc này, chính là nụ cười hồn nhiên và trái tim ấm áp của con. Chị chia sẻ, có lẽ mất mát người thân khiến bé Thư giàu tình cảm hơn. Mỗi lần hai mẹ con đi chợ, bé lại giục mẹ mua vé số để ủng hộ người nghèo.
Bé Thư nói sau này sẽ cố gắng kiếm được nhiều tiền để nuôi mẹ, rồi chăm lo cho người khó khăn và những em bé không may bị mất người thân như con.
Hôm rằm tháng 7 Âm lịch vừa qua, bé Thư cùng mẹ lên chùa cầu siêu. Bé cầm bông hoa đăng, rồi nhẹ nhàng tựa đầu vào vai mẹ. Hai mẹ con nhắm mắt, rồi cầu bình an cho cả người ra đi và người ở lại sau đại dịch. Bé Thư quỳ sát người mẹ, lặp lại những lời chị Thắm nói.
"Con mong ông bà, ba và chú được siêu thoát. Con mong sức khỏe, mong bình an đến với mọi nhà", tiếng nói trẻ con thơ dại vang lên trong âm vang kinh cầu.
Giờ đây, ngoài làm công nhân giày da, chị Thắm còn bán hàng online kiếm thêm thu nhập. “Mất đi những người thân yêu, nó khó diễn tả lắm, nhưng dù sao tôi cũng phải gắng vượt qua, dù là khó khăn đến mấy, vất vả đến mấy, cũng phải bước tiếp để lo cho con nên người”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chị Thắm kết thúc, cũng là lúc tạnh mưa. Mẹ con chị tạm biệt chúng tôi bằng một nụ cười ấm áp. Rời đi trên con hẻm nhỏ, nụ cười của chị cứ hiện lên, bất giác khiến chúng tôi liên tưởng đến câu thơ "Phía sau một nụ cười. Nơi ấy có niềm tin". Tin rằng, những người thân yêu đã khuất sẽ luôn dõi theo chị Thắm và bé Minh Thư. Tin rằng, sau những bão tố của cuộc đời, mẹ con chị sẽ được đón những ngày bình yên, ấm êm phía trước…