Một tiết mục biểu diễn tại hội thi văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao năm 2022 do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức. Ảnh: M.Ny
Từ các hội thi, hội diễn đã có hàng trăm bài thơ, bài hát, tiểu phẩm kịch về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người nơi đây ra đời, góp phần lan tỏa những điều hay, ý nghĩa trong cuộc sống.
* Ngày đi đồng, tối về sáng tác
Không có thù lao nhưng hễ có sự kiện của ấp, Khu bảo tồn hay hội phụ nữ, bà Lê Thị Lệ Thu (ngụ ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) lại bắt tay vào sáng tác. Các bài thơ, ca, kịch do bà sáng tác, dàn dựng được đánh cao không chỉ vì đúng chủ đề mà còn gần gũi, phù hợp nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của bà con vùng đất chiến khu xưa.
Bà Thu chia sẻ, thời học THPT, bà từng đoạt giải học sinh giỏi văn của tỉnh Tiền Giang, nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống nên không theo nghiệp chữ nghĩa mà lên Đồng Nai bám rừng làm nông. Khi các con trưởng thành, bà bắt đầu tham gia công tác hội phụ nữ ấp, sau đó làm trưởng ấp, rồi Chủ nhiệm CLB Xanh Cu li nhỏ. Cảm hứng văn chương lại trỗi dậy, bà sáng tác nhiều bài lý, vọng cổ, thơ, ca, kịch để chị em ngân nga mỗi khi sinh hoạt CLB, đồng thời tham gia các hội thi văn nghệ.
Theo đánh giá của Khu bảo tồn, CLB xanh là sân chơi bổ ích và lành mạnh cho các thành viên tham gia. Nhờ những “nghệ sĩ làng” ấy mà phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao ngày một phát triển. Công tác giáo dục truyền thống lịch sử và tuyên truyền bảo vệ môi trường trở nên hiệu quả.
Ngày ra đồng, tối về sáng tác và hướng dẫn chị em tập văn nghệ còn có bà Nguyễn Thị Tuyến, Chủ nhiệm CLB Xanh Cánh Hoa Dầu (ngụ ấp 4, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Bà Tuyến chia sẻ, trước đây bà chưa từng sáng tác thơ, văn. 10 năm trước, bà tham gia sinh hoạt CLB Xanh Cánh Hoa Dầu. Để đội có tác phẩm dự thi, bà vận dụng những hiểu biết về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống viết ra những tiểu phẩm kịch, thơ, chen vào đó vài câu quan họ Bắc Ninh. Tác phẩm đem đến hội thi văn nghệ được bà con vỗ tay đón nhận. Từ đó về sau, mỗi dịp tổ chức liên hoan, hội thi văn nghệ, bà tự tin sáng tác, càng viết càng ham.
“Mỗi dịp được đi đâu xa hoặc có sự kiện quan trọng, tôi lại viết. Nhớ có lần được vào Trung ương Cục miền Nam dâng hương, tối đó tôi không sao ngủ được, thế là ngồi viết bài thơ đến nửa đêm” - bà Tuyến chia sẻ.
Bài thơ Lễ dâng hương Trung ương Cục miền Nam của bà có đoạn rất xúc động: “Đoàn tôi đứng trước tượng đài/ Trang nghiêm mặc niệm thắp vài nén nhang/ Lòng thành cảm tạ biết ơn/ Những anh hùng đã hy sinh nơi này/ Anh đang nằm nghỉ ở đây/ Mộ phần nay đã được xây lên rồi/ Lòng tôi bỗng thấy bồi hồi/ Nhìn lên bia đá nhớ thời xông pha”…
* Làm giàu văn hóa địa phương
Theo Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của địa phương, Khu bảo tồn đã thành lập các CLB xanh. Hàng năm, Khu bảo tồn tổ chức hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các CLB, đồng thời đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền.
Những tác phẩm do các bà, các mẹ sáng tác, dàn dựng và biểu diễn không chỉ đúng chủ đề tuyên truyền bảo vệ rừng, động thực vật, thủy sản hồ Trị An mà còn phù hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân. Thời gian tới, Khu bảo tồn tiếp tục phát triển các CLB xanh theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, gắn hoạt động của CLB với phong trào xây dựng nông thôn mới, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ngoài thơ ca, Khu bảo tồn còn phối hợp với các ấp, trường học, CLB xanh tổ chức thi thiết kế poster, vẽ tranh cổ động bảo vệ các loài động vật quý hiếm, sáng tác biểu trưng. Những tác phẩm đặc sắc và có ý nghĩa được chọn trao thưởng, dùng in lên bìa vở, sách động vật, áo, mũ nhằm phục vụ mục đích truyền thông của Khu bảo tồn.
“Từ ngày tham gia CLB xanh, được tập luyện và giao lưu với chị em, bệnh đau đầu gối của tôi được cải thiện, tinh thần vui vẻ, phấn chấn, tình làng nghĩa xóm được gắn bó, đoàn kết hơn” - chị Mai Anh, thành viên CLB Xanh Cánh Hoa Dầu chia sẻ.