Người nghèo mua Lamborghini

21/05/2024 01:21

Hàn Quốc đang ở giữa cơn sốt siêu xe hạng sang bất chấp suy thoái kinh tế kéo dài, với một số thương hiệu ô tô danh tiếng thế giới phá kỷ lục doanh số hàng năm.

Nhiều dòng siêu xe nhanh chóng bán hết - đơn đặt hàng thậm chí bị đóng trong 2-3 năm - sau khi phát hành tại xứ kim chi. Năm ngoái, 3.138 ôtô nhập khẩu có giá hơn 300 triệu won (21.880 USD) - con số cao nhất mọi thời đại đã được bán tại Hàn Quốc, nhờ doanh số kỷ lục của Bentley, Lamborghinis, Rolls-Royces và Maybach.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà phân phối và nhập khẩu ô tô Hàn Quốc (Kaida), con số này tăng hơn 10 lần so với năm 2018, khi con số hàng năm ở mức 307.

Mở rộng phạm vi sang ô tô có giá hơn 100 triệu won, tổng cộng 78.208 chiếc nhập khẩu đã được bán tại Hàn Quốc vào năm 2023, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa là cứ ba chiếc xe nhập khẩu thì có một chiếc có giá vượt ngưỡng đó.

Người nghèo mua Lamborghini

Ảnh minh họa. Cơn sốt đến từ đâu?

Sự khan hiếm là chiến lược tiếp thị phổ biến nhất của các thương hiệu siêu xe và nó có tác dụng hoàn hảo đối với tâm lý của người tiêu dùng giàu có ở Hàn Quốc.

Sự phân cực của cải giờ đây được phản ánh trong bối cảnh sở hữu ô tô, nơi người giàu mua những chiếc xe đắt nhất và nhóm còn lại mua xe giá rẻ.

Kim Yoon-koo, 31 tuổi, làm việc cho một công ty tư vấn ở Seoul, đồng thời sở hữu một chiếc Porsche 911 và một chiếc BMW M5, cho biết: “Tôi mua một chiếc Ferrari 612 vì nó khan hiếm nên nó có giá trị sở hữu. Những chiếc xe sang trọng chắc chắn mang lại cảm giác lái thú vị cũng như hiệu suất và công nghệ tốt hơn những chiếc xe rẻ tiền hơn”.

Trong khi xe sang đang bán chạy như tôm tươi, các nhà sản xuất ô tô kiềm chế tăng sản lượng đột ngột, kiểm soát nguồn cung để duy trì sự khan hiếm và giá trị của sản phẩm.

Vì vậy, người tiêu dùng phải chờ tới 3 năm mới nhận được hàng. Mặc dù phải đặt cọc không hoàn lại 10% giá xe nhưng các đơn đặt hàng vẫn tăng lên.

Lamborghini đã giới thiệu Revuelto, mẫu xe điện plug-in hybrid đầu tiên của hãng tại Hàn Quốc vào tháng 6 nhưng lượng đơn đặt hàng trước đã đầy cho đến năm 2025 vào ngày phát hành.

Tương tự, Rolls-Royce đã ra mắt Spectre, chiếc xe điện thuần túy đầu tiên của hãng vào năm ngoái, nhưng các đơn đặt hàng sẽ kết thúc cho đến giữa năm 2025.

Kim Pil-soo, giáo sư kỹ thuật ô tô tại Đại học Daelim, cho biết: “Những chiếc siêu xe có giá hàng triệu won thậm chí còn bán chạy hơn trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Người Hàn Quốc có xu hướng coi ô tô là biểu hiện của sự giàu có và địa vị xã hội của họ”.

Người nghèo mua Lamborghini

Ảnh minh họa. Người nghèo cũng sở hữu siêu xe

Thị trường ô tô cao cấp của Hàn Quốc chủ yếu bùng nổ thế hệ trẻ, những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa phô trương dễ thấy, dẫn đến tình trạng đua đòi mua xe sang khi bản thân không đủ sức chi trả các chi phí.

Choi, 29 tuổi, người đã mua một chiếc Porsche Cayman Turbo S cũ theo phương thức trả góp 60 tháng, cho biết: "Tôi thực sự nghĩ rằng bản thân là một car poor. Tôi dùng 70% tiền lương hàng tháng của mình để chi phí bảo trì. Nhưng thành thật mà nói, tôi thích thú khi thấy mọi người thường tỏ ra kinh ngạc khi nghe thấy tiếng động cơ xe ô tô của tôi gầm gừ dữ dội”.

“Car poor” - “Người nghèo ô tô” là thuật ngữ mà người Hàn Quốc dùng để chỉ những người chi tiêu khá nhiều cho những chiếc ô tô cao cấp so với thu nhập của họ.

Văn hóa này thậm chí còn được thể hiện bằng kim tự tháp dành cho ô tô đã lan truyền rộng rãi, gói gọn thứ bậc của các thương hiệu ô tô sang trọng mà mọi người có thể mua dựa trên mức lương của họ.

"Kim tự tháp" phân cấp thứ bậc của các thương hiệu ôtô hạng sang mà mọi người có thể mua dựa trên mức lương của họ. Nó phân loại các thương hiệu như Kia, Renault và Chevrolet là ôtô dành cho "người bình thường"; trong khi Toyota và Ford là dành cho "tầng lớp trung lưu"; Genesis, Tesla và Volvo dành cho những người "muốn sang trọng"; BMW, Mercedes và Lexus ở mức "sang trọng". Rolls-Royce, Bentley và Maybach là "Top 3", trong khi Bugatti và Pagani ở "một đẳng cấp khác".

Hong Eun-sil, giáo sư phúc lợi và môi trường gia đình tại Đại học Quốc gia Cheonnam, cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, người Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào việc tiêu dùng phô trương để thể hiện sự nâng cao địa vị xã hội của mình”.

Hong nói thêm: “Mong muốn hưởng thụ xa hoa xuất phát từ ý định của những người Hàn Quốc từ lâu vốn cảm thấy thua kém những người thuộc tầng lớp thượng lưu để bắt chước cách tiêu dùng của họ”.

-> 4 biểu hiện thường thấy ở những người nghèo thích "chơi trội"T. Linh

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Người nghèo mua Lamborghini - Đời Sống