Người béo hay gầy dễ bị đột quỵ?

20/12/2023 12:20

Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, thể trạng với BMI trong khoảng 18,5 đến 23 là tiêu chuẩn được khuyến cáo hiện nay cho người dân Việt Nam.

Thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên thiếu cân cũng sẽ dẫn đến thiếu B12, thiếu sắt, dễ nhiễm trùng... Đây đều là những tình trạng có thể gây ra đột quỵ.

Theo bác sĩ Nghĩa, đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh gồm lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực...

Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây vỡ. Do đó, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh, chứ không chỉ người béo.

Người béo hay gầy dễ bị đột quỵ?

Ảnh minh họa

Chia sẻ thêm về vấn đề này, BSCKII Nguyễn Trọng Luật, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ, thừa cân là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ, có nghĩa là những người bị thừa cân hoặc béo phì sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người khác. Điều đó không có nghĩa là những người gầy không bị đột quỵ.

Bác sĩ Luật cho hay, các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể kể đến:

- Lối sống: Thừa cân hoặc béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia, sử dụng ma túy.

- Bệnh lý: Huyết áp cao; hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động; rối loạn mỡ máu; bệnh tiểu đường; ngưng thở khi ngủ. Bệnh tim mạch như suy tim, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm trùng trong tim hoặc nhịp tim bất thường (chẳng hạn như rung nhĩ); tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua; nhiễm Covid-19.

- Yếu tố khác: Tuổi tác (người từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người trẻ tuổi), chủng tộc (người Mỹ gốc Phi có nguy cơ đột quỵ cao hơn những người thuộc các chủng tộc khác), giới tính (đàn ông có nguy cơ đột quỵ cao hơn phụ nữ). Tuy nhiên phụ nữ khi bị đột quỵ thường lớn tuổi hơn và họ có nhiều khả năng chết vì đột quỵ cao hơn nam giới, nội tiết tố (sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone bao gồm estrogen làm tăng nguy cơ mắc bệnh).

Để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo nên cân đối dinh dưỡng, giữ vòng eo và cân nặng hợp lý, tập thể dục, điều trị tốt những bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường...

Người từng bị đột quỵ cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị.

Người trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...

-->> 4 thời điểm dễ gây đột quỵ trong mùa lạnhThúy Ngà

Theo Nguồn giadinhonline.vn

Người béo hay gầy dễ bị đột quỵ? - Đời Sống