Khổ vì sai thông tin cá nhân

19/09/2022 10:19
Khi đi xin số định danh cá nhân cho con gái, chị Luyến phát hiện giới tính của con mình trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” bị sai. Chín tháng trôi qua, sai sót này vẫn chưa đượckhắc phục.

 

Sai số định danh vì… nhầm giới tính

Chị Văn Hồng Luyến (xã Tân Xuân, H.Hóc Môn, TPHCM) cho biết, vào tháng 11/2021, theo yêu cầu của nhà trường, chị đến công an xã xin giấy báo định danh cá nhân cho con gái chị là cháu Nguyễn Hoàng Giang thì phát hiện giới tính của con trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” bị sai từ “nữ” thành “nam”. Sự nhầm lẫn này đã dẫn đến một hệ lụy tai hại là “mã giới tính” trong cấu trúc số định danh cá nhân cũng sai và không thể sử dụng.

Ngay sau đó, chị được hướng dẫn làm phiếu cập nhật để chỉnh sửa giới tính cho con. Nhưng đến nay, đã chín tháng trôi qua, việc chỉnh sửa vẫn chưa có kết quả. Chị Luyến sợ sự cố này sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi trung học phổ thông và xét tuyển đại học sắp tới của con.

Khổ vì sai thông tin cá nhân

Con gái chị Luyến bị sai giới tính trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”

Còn chị Trần Thị Hằng (tạm trú tại quận Tân Phú, TPHCM) kể, vừa qua chị về quê Phú Yên làm căn cước công dân thì phát hiện tên chồng chị trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” bị sai. Chị lo việc nhầm lẫn này sẽ gây khó cho vợ chồng chị trong các giao dịch liên quan đến tài sản. Nhưng chị chưa biết chỉnh sửa thế nào.Không chỉ sai thông tin trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, nhiều người còn bị sai thông tin trong dữ liệu tiêm ngừa COVID-19. Chị Lê Mỹ Huyền (quận 6, TPHCM) phản ánh, dữ liệu trên hộ chiếu vắc xin COVID-19 của chị bị sai năm sinh. “Tôi đã phản ánh việc này với cơ sở y tế nơi thực hiện tiêm ngừa, nhưng họ nói phải chờ để cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa đồng loạt dựa trên việc đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đầu tháng 12, tôi phải đi công tác nước ngoài. Tôi sợ sai sót này sẽ gây khó cho mình khi xuất, nhập cảnh” - chị Huyền lo lắng.Theo Sở Y tế TPHCM, đến cuối tháng 8/2022, thành phố vẫn còn trên 3,3 triệu trường hợp cần cơ quan công an xác minh để “làm sạch” dữ liệu trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Trong đó, trên 1,7 triệu trường hợp thuộc diện không có căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã định danh cá nhân; trên 195.000 trường hợp sai định dạng căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã định danh cá nhân; trên 1,4 triệu trường hợp sai các thông tin cơ bản như: họ, tên, ngày tháng năm sinh và giới tính.

Làm sao để chỉnh sửa?

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, khi thông tin công dân có sự thay đổi hoặc sai sót trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” thì sẽ được điều chỉnh. Việc này được quy định tại Nghị định 137/2015/NĐ-CP của Chính Phủ.Ngoài ra, điều 3, Thông tư 59/2021 của Bộ Công an cũng quy định, việc cập nhật, chỉnh sửa thông tin của công dân trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” phải được trưởng công an cấp xã hoặc cấp huyện (nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) phê duyệt. Công an sẽ phát phiếu, hướng dẫn công dân khai rồi kiểm tra, đối chiếu thông tin đã khai với các giấy tờ pháp lý khác. Sau đó, công an cấp xã sẽ cập nhật thông tin vào “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” rồi chuyển phiếu thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư cho công an cấp huyện để lưu vào hồ sơ cư trú.Trường hợp của cháu Nguyễn Hoàng Giang, gia đình đến công an xã Tân Xuân để cập nhật, chỉnh sửa đã lâu mà vẫn chưa có kết quả, trách nhiệm thuộc về công an xã và các đơn vị liên quan, theo luật sư Đức.Ông Đức cũng cho rằng, trước việc có nhiều người phản ánh sai sót thông tin trong “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, các cơ quan chức năng cần thông báo cho người dân về cách thức để chỉnh sửa và đơn giản hóa thủ tục.Sở Y tế TPHCM cũng cho biết đã có văn bản đề nghị Công an TPHCM phối hợp “làm sạch” dữ liệu để đảm bảo thông tin người dân được tiêm phòng COVID-19 được cập nhật đầy đủ, chính xác trên nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 kết nối với “cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Sơn Vinh

     
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

Khổ vì sai thông tin cá nhân - Xã Hội