Cục Di sản văn hoá nói gì trước dư luận ‘xếp hạng di tích chùa Tam Chúc’

11/03/2023 10:11
‘Chúng tôi không bao giờ đi xếp hạng một chùa mới như Tam Chúc vì không đáp ứng tiêu chí danh lam thắng cảnh và di tích. Những công trình đình, chùa mới một, hai năm tuổi, nếu không có giá trị lịch sử thì không xếp hạng’.

 

Cục Di sản văn hoá nói gì trước dư luận ‘xếp hạng di tích chùa Tam Chúc’

Cục Di sản văn hóa khẳng định xếp hạng di tích quốc gia cho quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc rộng lớn chứ không phải chỉ khu vực hồ và chùa Tam Chúc - Ảnh: BẢO NGỌC

Ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - trả lời Tuổi Trẻ Online khi có dư luận phản ứng về việc quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc vừa được công bố là một trong 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Không phải xếp hạng cho khu vực hồ và chùa Tam Chúc

Đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng một số người phản ứng vì chưa hiểu đúng, tưởng xếp hạng di tích quốc gia cho chùa Tam Chúc.

Thực ra là xếp hạng cho cả quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) rộng lớn bao gồm cả hồ, đầm lầy, hệ thống núi, rừng, hang động, với thảm động thực vật phong phú.

Trong đó giá trị về danh lam thắng cảnh mới là giá trị nổi trội, chứ không phải giá trị kiến trúc nghệ thuật, không liên quan tới công trình trong đó, bao gồm chùa Tam Chúc mới xây.

Ông Thành nói quần thể danh thắng Tam Chúc đủ điều kiện được xếp hạng là danh lam thắng cảnh theo tiêu chí của Luật di sản văn hóa. Luật quy định danh lam thắng cảnh là khu vực có cảnh quan thiên nhiên gắn với công trình có giá trị thẩm mỹ, hay khu vực thiên nhiên có những giá trị về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học.

Khu Tam Chúc được xếp hạng danh lam thắng cảnh là khu vực rất rộng, gồm toàn bộ khu núi, khu rừng, hồ nước. Giá trị thẩm mỹ của nó là hệ thống núi, rừng cây, hệ thống đầm lầy kết hợp mặt nước.

Ngoài ra nó còn có giá trị đa dạng sinh học, với thảm động thực vật phong phú. Ở đây có rất nhiều loài, trong đó có hai loài đặc hữu quan trọng nhất là voọc mông trắng.

Quần thể này còn có khu vực khảo cổ học, hang động giá trị về cảnh quan. Ở đây đã phát hiện được dấu tích đồ đá, đồ đồng, đồ gốm thời xưa, gắn với Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Đông Sơn, gắn với cả việc phát triển tôn giáo khi ở đây có hệ thống đền, chùa cổ.

"Cho nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, với một khu vực rất rộng lớn, trong đó hồ và chùa chỉ là một khu vực nhỏ thôi.

Giá trị về danh lam thắng cảnh mới là giá trị nổi trội, nên xếp hạng nó là danh lam thắng cảnh, không phải di tích kiến trúc nghệ thuật, không liên quan tới công trình trong đó", ông Thành nói.

Hồ sơ bình thường nhưng bộ có góp ý mở rộng khu vực xếp hạng

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online "quá trình xét hồ sơ di tích quốc gia cho quẩn thể danh thắng này có gì đặc biệt không", ông Thành nói quá trình làm hồ sơ và xét phê duyệt cũng bình thường như các hồ sơ khác.

Tuy nhiên lúc đầu cơ quan địa phương chỉ đề xuất khoanh vùng bảo vệ liên quan tới khu vực hồ. Các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu cầu mở rộng vì khu vực đó rất có giá trị về thẩm mỹ. Hồ phải gắn với núi, rừng, hang động, phải có các thay đổi địa hình…

Các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã hướng dẫn cho địa phương phải coi trọng những giá trị đấy là chính khi làm hồ sơ.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, khi quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã được xếp hạng di tích quốc gia thì từ đây mọi xây dựng trong vùng bảo vệ sẽ phải có ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo quy định của Luật di sản văn hóa.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Cục Di sản văn hoá nói gì trước dư luận ‘xếp hạng di tích chùa Tam Chúc’ - Xã Hội