Con đòi cha mẹ cho chơi TikTok vì 'các bạn trend nào cũng biết'

06/04/2023 10:22
Sau khi vào lớp một, hầu như ngày nào, con trai của chị Anh Thi (36 tuổi, TP.HCM) cũng đòi bố mẹ tải ứng dụng TikTok về điện thoại vì không muốn thua kém bạn bè.

 

Con đòi cha mẹ cho chơi TikTok vì 'các bạn trend nào cũng biết'

“Con kể trên lớp các bạn đều chơi ‘tóp tóp’ nên bài nhạc chế nào cũng thuộc, trend nào mới cũng biết. Chỉ mình con không biết gì nên thường bị bạn trêu chọc”, chị nói với Zing.

Nghe con kể thấy thương nên chị Thi quyết định cho phép bé dùng TikTok trên điện thoại của mình. Ban đầu, thấy con chỉ xem các clip nhảy nhót, hát hò với mục đích giải trí, chị khá yên tâm và dần lơ là giám sát.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là thay vì xem hoạt hình trên tivi hay chơi game trên máy tính, các con có thể giải trí bằng việc xem clip trên TikTok”.

Tuy nhiên, chị Thi nhanh chóng nhận ra mình sai lầm khi nghĩ như vậy.

Với sự bùng nổ của ứng dụng video ngắn trong những năm gần đây, việc con nhỏ dán mắt vào màn hình điện thoại lướt TikTok cả ngày hay gào khóc, ăn vạ khi bị cấm cản là nỗi đau đầu của nhiều bậc phụ huynh.

Tỷ lệ người dùng TikTok tại Việt Nam tăng từ 34% (năm 2020) lên 62% (năm 2022), với thời lượng sử dụng tăng gấp đôi từ 4% đến 8%. Một thống kê khác năm 2021 cũng chỉ ra rằng số lượng người sử dụng TikTok tại Việt Nam đứng thứ 6 thế giới và có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.

Giới hạn thời gian sử dụng, hướng con tới các hoạt động vui chơi bên ngoài hay thẳng thừng cấm cửa, chặn ứng dụng TikTok trên bộ định tuyến mạng Wi-Fi,... là một số cách cha mẹ áp dụng để ngăn con sa đà vào nền tảng.

Nhiều trẻ em "nghiện" xem TikTok, thậm chí bắt bố mẹ quay clip cho mình. Càng cấm càng tò mò

Một buổi sáng cuối tuần, sau khi đi chợ về, chị Thi tá hỏa phát hiện hàng loạt chai lọ trong nhà bị cắt ngang. Từ lọ tương ớt, các loại gia vị cho đến đồ dùng trong nhà tắm như chai nước rửa tay, tuýp kem đánh răng mới mua vài ngày trước đều bị cắt và vứt vào sọt rác.

Sau một hồi hỏi chuyện, người mẹ mới biết cậu con trai đang học lớp một đã dùng kéo cắt các vật dụng trong nhà vì nghĩ bên trong những món đồ này giấu đồ chơi.

Cậu bé nói rằng từng xem rất nhiều clip trên TikTok cho thấy mọi người cắt các lọ tương ớt, tương cà và tìm thấy mèo thần tài, mô hình lắp ghép, thậm chí cả tiền mặt ở bên trong. Tuy nhiên, những nội dung này đều là giả mạo, được dàn dựng để thu hút sự tò mò của người xem nhỏ tuổi.

Nói với Zing, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) chia sẻ nhiều phụ huynh nghĩ rằng khi con chăm chú ngồi im xem tivi hay điện thoại nghĩa là con “ngoan”, nhưng tác động tiêu cực tiềm ẩn về sau rất khó lường.

Con trai chị Anh Thi cắt chai tương ớt để tìm đồ chơi như clip trên TikTok.

Chị Thi sau đó xóa ứng dụng để ngăn con tiếp cận với nội dung độc hại trên nền tảng.

“Con trai vẫn thường thuyết phục tôi tải lại ứng dụng, nhưng tôi nhất quyết nói không. Tôi thực sự lo ngại về những clip mà TikTok đang đề xuất cho người xem, nhất là trẻ em”, chị chia sẻ.

Trao đổi với Zing, chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết, Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids, nhận định phụ huynh mỗi khi cho con ăn hay ngủ đều mang clip TikTok hoặc cho bé dùng các thiết bị điện tử để dỗ dành sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đầu tiên, con chỉ việc khóc, không ăn, làm hành vi tiêu cực,... sẽ được bố mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu, đòi hỏi của mình. Bé chỉ thụ động ngồi xem, tất cả sẽ có sẵn từ âm thanh, hình ảnh đến nội dung, thậm chí không cần nhấn nút. Lâu dần, điều này trở thành thói quen, khiến con không có nhu cầu tương tác, giao tiếp.

Tiếp đến, con trở nên thụ động và ì vì thấy các clip trên mạng thú vị hơn hoạt động bên ngoài. Bé sẽ lười vận động, không muốn nhúc nhích, động đậy khi chỉ cần nằm một chỗ và được cung cấp mọi thứ.

Thêm vào đó, khi con leo thang hành vi tiêu cực như bỏ ăn, không chịu ngủ,... để đạt được mục đích, bố mẹ phải mang việc xem TikTok ra để “mặc cả” với bé. Lúc này, trẻ sẽ hình thành phản xạ có điều kiện là ai muốn bé làm việc gì thì phải đáp ứng nhu cầu của mình, dẫn đến việc người lớn rất khó để hướng dẫn, rèn luyện nề nếp và dạy con kỹ năng.

“Lẽ ra các kỹ năng như học là niềm vui, ăn cơm, đi ngủ là nhu cầu lại thành thứ để con ra điều kiện với bố mẹ. Điều này sẽ khiến trẻ có tính thụ động cao và mất đi hứng thú với cách hoạt động, sinh hoạt khác mà đáng lẽ là niềm vui, động lực của bé”, bà Tuyết lý giải.

Gia đình anh Mai Viễn sắp xếp công việc, đưa các con đi chơi để hạn chế thời gian xem điện thoại, tivi.

Dù nhận thức rõ về ảnh hưởng xấu của những nội dung gây hại, nhảm nhí trên TikTok, anh Mai Viễn (41 tuổi, Quảng Trị) thừa nhận việc bảo vệ các con khỏi đó không hề đơn giản.

Có hai con trai (13 tuổi và 5 tuổi) đều rất thích các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, vợ chồng anh Viễn giữ quan điểm không để con tham gia thế giới trực tuyến quá sớm và quá sâu. Con trai đầu của anh hiện chỉ được phép sử dụng các mạng xã hội có liên quan đến trường lớp, cần thiết để trao đổi với bạn bè, thầy cô.

“Tôi từng tải ứng dụng TikTok về điện thoại để dùng thử. Nhưng chỉ sau hai tuần, tôi quyết định bấm xóa vì nhận thấy bản thân gần như bị nghiện, dành quá nhiều thời gian trên nền tảng. Người lớn mà còn dễ sa đà như vậy thì huống gì là trẻ em”, anh nói.

Tuy vậy, xóa app không hẳn là phương pháp “cai nghiện” hiệu quả nhất. Anh Viễn từng nhiều lần bắt gặp các con lén bố mẹ mở các clip TikTok trên tivi.

“Chúng tôi đã thử cả việc đặt mật khẩu tivi, đổi mật khẩu điện thoại, thậm chí giấu điều khiển mỗi lần ra khỏi nhà, nhưng dường như càng cấm, các con càng tò mò, càng tìm cách xem cho bằng được”, anh kể.

Theo Tiêu chuẩn cộng đồng

Bố mẹ cũng cần thay đổi

Khác với nhiều phụ huynh xung quanh, chị Bích Thủy (35 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP.HCM, không cấm con trai hơn 4 tuổi dùng điện thoại, tivi.

“Không ít bố mẹ dùng điện thoại nhiều hơn cả con, trông con nhưng mắt không rời màn hình, lấy điện thoại để dụ con ngồi yên một chỗ, ăn thêm miếng cơm, thìa cháo hay lướt TikTok với lý do giải trí sau một ngày dài đi làm. Khi người lớn vẫn dùng điện thoại mà cấm con trẻ sử dụng, bé sẽ nảy sinh tâm lý bực bội, khó chịu”, chị chia sẻ.

Do đó, theo chị Thủy, việc đầu tiên không phải điều chỉnh hành vi của con, mà chính bố mẹ phải làm điều này nhằm tạo dựng môi trường tốt cho con trẻ.

Chị Bích Thủy không cho con tiếp xúc với clip trên mạng cho đến hơn 2 tuổi.

Về phía bản thân, chị Thủy không sử dụng điện thoại để chơi game và không cài đặt bất kỳ trò chơi nào trong máy.

“Khi sử dụng điện thoại mà có con bên cạnh, tôi sẽ giải thích lý do với bé như ‘Mẹ sử dụng điện thoại để giải quyết công việc/học bài/gọi điện thoại cho bà, người thân’ và nói rõ sẽ dùng trong bao lâu. Khi hết thời gian, tôi đặt điện thoại sang một bên. Bố mẹ cũng cần giữ chữ tín và thể hiện sự tôn trọng để làm gương cho con”, chị nói.

Hàng ngày, chị Thủy vẫn dùng điện thoại để giải trí, nhưng thường là lúc con ngủ hoặc khi bé không nhìn thấy.

Mỗi khi cho phép con xem điện thoại hay tivi, chị đặt ra những câu hỏi như “Con coi điện thoại với ai hay một mình?”, “Con coi trong thời gian bao lâu?”, “Con sẽ coi nội dung gì?”. Bằng cách này, người mẹ dễ biết việc mình cần làm hơn là cấm đoán bé.

“Những gì con coi luôn được tôi để ý tới. Nội dung nào không lành mạnh, tôi sẽ xóa trong lịch sử và giải thích cho con hiểu nên xem cái gì. Thời gian giải thích sẽ giúp bé sau này biết lựa chọn, định hướng thông tin để coi khi không có bố mẹ ở bên”, chị nói.

Khi con xem một mình, chị sẽ căn khoảng 15 phút và đặt báo thức trên điện thoại. Hết thời gian, bé sẽ trả lại điện thoại cho mẹ. Đặc biệt, con không coi vào giờ ăn cơm.

“Trong trường hợp con không chịu trả máy hay gào khóc, tôi sẽ tiến lại gần và nhắc nhẹ ‘Con là người biết giữ chữ tín mà. Mẹ lấy điện thoại nha’. Con có khóc, khó chịu cũng là chuyện tự nhiên vì đang xem mà bị cắt ngang, chưa kịp chuẩn bị tâm lý. Nếu bố mẹ bực mình, la con ầm lên sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn”, chị nói.

Đến giờ, con trai chị Thủy vẫn thỉnh thoảng không chịu hợp tác. Tuy nhiên, sau khi con trả lại điện thoại, chị vẫn nói cảm ơn bé.

“Trong nhà tôi, con muốn coi điện thoại, tivi phải xin phép người lớn và có được sự đồng ý mới được sử dụng. Do đó, tôi hướng dẫn con hỏi bà khi mẹ không có mặt”.

Cấm con dùng TikTok mà không hướng dẫn, cùng tham gia hoạt động vui chơi khác để thay thế là sai lầm nhiều cha mẹ mắc phải.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Tình Tuyết đồng ý rằng việc phụ huynh cấm đoán, cắt đứt việc xem TikTok của con ngay lập tức sẽ hình thành phản xạ ngược. Bé sẽ cảm giác bố mẹ không yêu mình, cấm cản tham gia thú vui, tước đoạt quyền lợi mà bé chưa đủ hiểu biết, trình độ để phân biệt là nó có hại.

Do đó, ngay từ đầu, bố mẹ có thể cài đặt chương trình con có thể xem để các video tương tự xoay quanh chủ đề này sẽ xuất hiện. Đây là cách định hướng cho con.

Về mặt thời lượng xem điện thoại, phụ huynh sẽ đồng thỏa thuận với con thay vì ngăn cấm hoàn toàn. Ngoài ra, người lớn phải có các hoạt động bổ trợ để con không bị hụt hẫng.

“Thực tế, nhu cầu của trẻ là giao tiếp, tương tác, không phải xem clip TikTok. Các con hoàn toàn có nhu cầu chơi với người lớn, nhưng nhiều khi bố mẹ không có thời gian để đáp ứng, hướng dẫn tham gia thú vui khác. Do đó, việc cấm đoán nên thay thế bằng khuyến khích thay đổi thói quen, như đưa con đi công viên, mua cát về xúc, cho chơi trò chơi”, bà Tuyết nói.

Giám đốc chương trình Trí tuệ cảm xúc Capokids chia sẻ thêm: “Tuổi thơ của trẻ trôi qua rất nhanh. Vì vậy, đừng để con suốt ngày dán mắt vào iPad và điện thoại. Rất mong bố mẹ dành thời gian thực sự để chơi cùng, tìm hiểu về tính cách, thói quen, sở thích của con và hiện diện trong những năm tháng tuổi thơ của bé”.

Sau khi thấy việc cấm đoán con xem clip trên TikTok không hiệu quả, vợ chồng anh Mai Viễn cố thử thay đổi phương pháp. Thay vì luôn nói “không” với trẻ, cả hai tìm cách chuyển sự chú ý của các con sang những hoạt động khác.

“Chúng tôi bắt đầu đăng ký cho con tham gia các lớp thể chất yêu thích như bơi lội, võ thuật. Mỗi tuần đều cố gắng đưa con ra ngoài chơi 1-2 lần, thay vì để con ở nhà và xem tivi”, anh nói.

Nhờ các hoạt động bên ngoài, “screen time” (thời gian xem màn hình tivi, smartphone...) của các con anh Viễn đã giảm rõ rệt.

“Tôi nhận ra con trẻ ngày nay dành quá nhiều thời gian xem TikTok hay mạng xã hội cũng là vì thiếu các hoạt động giải trí bên ngoài. Đôi khi bố mẹ vì bận rộn với công việc mà đang quên đi nhu cầu giải trí của các con”.

Theo Nguồn baomoi.com

Con đòi cha mẹ cho chơi TikTok vì 'các bạn trend nào cũng biết' - Tuổi Trẻ