Theo lời giáo viên, cháu bé tự bắt được con rắn cạp nia bỏ vào cặp để chơi. Sau đến lớp thì bị cắn vào ngón út tay trái, giáo viên phát hiện kịp thời đưa ngay trẻ tới Trung tâm Y tế huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, điều trị giờ thứ 3 sau cắn.
Cháu bé nguy kịch do bị rắn cạp nia cắn.
Tình trạng lúc vào bệnh nhân tỉnh, sụp mi mắt, yếu tay chân, có dấu hiệu yếu liệt cơ hô hấp, thở khó khăn, liệt hầu họng. Các bác sĩ và điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn) đã nhanh chóng đánh giá, cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy cho bệnh nhi.
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhi rơi tình trạng phải thở máy, liệt toàn thân, đồng tử giãn, rối loạn điện giải. Do bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia để điều trị đặc hiệu cho bệnh nhi, do vậy các bác sĩ thống nhất chuyển bệnh nhi lên tuyến trên điều trị tiếp.
Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ hiếu động, hiểu biết về thế giới xung quanh còn nhiều hạn chế, rất dễ gặp nguy hiểm khi chơi đùa, tiếp xúc với loài vật có độc. Do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý trang bị, cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng, đảm bảo an toàn cho trẻ và kịp thời phát hiện khi trẻ có những hành động nguy hiểm để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Nam Anh