Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch?

15/09/2022 09:53
(Dân trí) - Tìm hiểu về đời tư của nhiều nhân vật nổi tiếng đến từ nhiều lĩnh vực, hai nữ nhà báo kỳ cựu nhận ra rằng nhiều người nổi tiếng và thành đạt từng đi qua những khủng hoảng và bi kịch.

 

"What I Wish I'd Known When I Was Young: The Art And Science Of Growing Up" (tạm dịch: Ước gì tôi sớm biết: Nghệ thuật và khoa học của sự trưởng thành) là một đầu sách tiếng Anh được xuất bản hồi tháng 5 năm nay. Tác giả của hai cuốn sách này là hai nữ nhà báo người Anh có tên Rachel Sylvester và Alice Thomson.

Hai nữ nhà báo đã có kinh nghiệm hơn 20 năm làm báo, họ đã phỏng vấn rất nhiều người nổi tiếng, từ các chính trị gia, nhà khoa học, CEO, vận động viên thể thao, nghệ sĩ... Có một điều mà bà Rachel và bà Alice nhận ra, đó là khá nhiều người nổi tiếng từng phải trải qua những khủng hoảng, mất mát, bi kịch... xảy ra từ rất sớm trong cuộc đời họ.

Bà Rachel và bà Alice thấy rằng một khởi đầu khó khăn trong cuộc đời đôi khi lại có thể là chất xúc tác để tài năng của một con người được thúc đẩy, bởi trong nghịch cảnh, nội lực của một cá nhân càng được phát huy để giúp họ vượt lên khó khăn.

Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch?

Doanh nhân triệu phú người Anh Stuart Rose (Ảnh: Daily Mail).

Doanh nhân triệu phú người Anh Stuart Rose (73 tuổi) từng so sánh những cơn khủng hoảng mà ông gặp phải trong những năm tháng trưởng thành tựa như "những liều vaccine": "Mỗi một cơn khủng hoảng đầu đời giống như một liều vaccine, bởi nếu ta vượt qua được sự việc, ta sẽ có được kháng thể cần thiết để đương đầu và vượt qua những khó khăn, trắc trở trong tương lai".

Ông Stuart Rose là một trong những nhân vật được đề cập tới khá sâu trong cuốn "What I Wish I'd Known When I Was Young". Ông Rose là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực bán lẻ tại Anh, ông là chủ tịch điều hành của một số chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng. Ông sở hữu khối tài sản vào khoảng hơn 50 triệu USD.

Cho tới hôm nay, ông Rose vẫn nhớ rất rõ ràng về món quà sinh nhật đầu tiên của mình, đó là một chiếc xe ô tô đồ chơi bị vứt bỏ. Khi ấy, gia đình ông đang sống trong một chiếc xe tải cũ, cảnh nhà rất nghèo, cha mẹ ông có hai người con. Một hôm, khi người cha đang đào đất thì tìm thấy một chiếc xe hơi đồ chơi bị vứt bỏ.

"Tôi nhớ rõ hình ảnh cha tôi đã cẩn thận sửa chữa chiếc xe hơi đồ chơi để làm món quà tặng sinh nhật đầu tiên cho tôi", ông Rose hồi tưởng.

Cuộc sống của gia đình họ bớt khó khăn hơn sau khi người cha tìm được một công việc ổn định. Khi Rose ở tuổi ngoài 20, ông được nhận vào làm nhân viên bán hàng trong một siêu thị, chàng thanh niên cảm thấy tự hào vì mình sớm có được một công việc ổn định.

Nhưng rồi bi kịch gia đình vẫn chưa dừng lại, người mẹ của ông vốn đã gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, càng lúc càng gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, bà còn phải phẫu thuật cắt bỏ một bên chân, người phụ nữ khốn khổ dần rơi vào trạng thái trầm cảm nặng.

Tuổi thơ của ông Rose vốn đã gắn liền với những giờ ngồi trông nom mẹ trên giường bệnh. Ở tuổi 49, mẹ của ông tự mình kết thúc tất cả những đau đớn, vật lộn về thể chất và tinh thần. Trong ngày bi kịch, ông Rose trở về nhà sau giờ làm việc và phát hiện ra mẹ mình đã qua đời.

Thời điểm ấy, ông cảm thấy như bộ não mình tự động chuyển sang một "chế độ" khác, ông biết mình sẽ phải gánh vác gia đình từ đây: "Cha tôi ngồi thẫn thờ không còn biết gì nữa. Em gái tôi suy sụp, khóc lóc. Còn tôi phải làm những việc cần làm. Trong đầu tôi ngay lập tức xuất hiện một danh sách những việc cần làm ngay".

Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch?

Ông Rose là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực bán lẻ tại Anh (Ảnh: Daily Mail).

Về sau này, ông Rose trở thành một doanh nhân thành công trong lĩnh vực bán lẻ tại Anh. Dù vậy, cuộc sống riêng của ông cũng phải gánh chịu những hệ lụy từ sự khủng hoảng mà ông sớm phải đương đầu trong những năm tháng đầu đời.

"Sẽ rất đơn giản nếu tôi tìm lý do biện minh cho những vấn đề mà mình gặp phải, chẳng hạn như cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ của tôi, nhưng tôi không muốn tìm ra những lý do biện minh cho bản thân", ông Rose tâm sự.

Ông Rose thừa nhận rằng bản thân ông cũng có những vấn đề tâm lý, ngay cả trong hiện tại, vẫn có những giai đoạn ông cảm thấy đầu óc mình "như bị che phủ bởi đám mây mù", nhưng ông thường tự đặt ra cho mình một giới hạn thời gian để tìm cách thoát ra.

Trong cuốn sách "What I Wish I'd Known When I Was Young", hai tác giả Rachel và Alice hệ thống nhiều câu chuyện cuộc đời của các nhân vật. Chẳng hạn, trong thế giới bóng đá, câu chuyện về cầu thủ người Anh Raheem Sterling (27 tuổi) đã được nhắc tới, Sterling hiện chơi cho câu lạc bộ Chelsea.

Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch?

Cầu thủ người Anh Raheem Sterling (Ảnh: Daily Mail).

Raheem Sterling từng nói: "Khi tôi hai tuổi, cha tôi qua đời. Sự việc ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi". Sau đó, người mẹ để lại hai con nhỏ ở Jamaica nhờ họ hàng chăm sóc, rồi một mình sang Anh tìm kiếm việc làm. Cậu bé Sterling từng cảm thấy ghen tị với những đứa trẻ có mẹ chăm sóc.

Lên 5 tuổi, Sterling được sang Anh đoàn tụ với mẹ, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn, cậu bé phải dậy từ 5 giờ sáng để cùng mẹ dọn dẹp các nhà vệ sinh bên trong một khách sạn nhỏ rồi mới tới trường học. Dù vậy, hoàn cảnh sống khó khăn đã khiến Sterling có sức mạnh và quyết tâm để thành công trong môi trường thi đấu bóng đá ở Anh về sau này.

Mục tiêu ban đầu của Sterling khi trở thành cầu thủ rất giản dị: "Mẹ và chị gái đã phải hy sinh rất nhiều để tôi có cơ hội trở thành cầu thủ. Nhiệm vụ tôi đặt ra cho mình là phải có được một bản hợp đồng để tôi có đủ khả năng giúp họ đỡ vất vả".

Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch?

Cựu huấn luyện viên bóng đá người Scotland - ông Alex Ferguson (Ảnh: Daily Mail).

Câu chuyện về cựu huấn luyện viên bóng đá người Scotland - ông Alex Ferguson (80 tuổi) - cũng được đề cập trong cuốn sách. Ông được xem như huấn luyện viên huyền thoại của bóng đá Anh, Ferguson lớn lên ở Govan, một khu dân cư thuộc vào nhóm nghèo nhất tại Glasgow, Scotland. Bóng đá chính là con đường giúp ông thoát ra khỏi đói nghèo.

Dù vậy, không bao giờ ông Ferguson nói về tuổi thơ nghèo khó của mình như thể đó là một sự thiệt thòi, ngược lại, ông luôn nhìn nhận xuất phát điểm của bản thân như một môi trường giúp ông sớm rèn luyện bản thân và học được những bài học quan trọng về cuộc sống, nhất là sự nỗ lực trong công việc.

Mỗi khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ ở khu dân cư nghèo, ông Ferguson luôn có phần hoài niệm: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên được tuổi thơ, bởi vì đó chính là những gì khiến chúng ta trở thành bản thân mình về sau này.

Tôi nhớ từng đọc được một bài báo có tiêu đề rằng "Ông Alex Ferguson đạt được thành công lớn dù sinh ra và lớn lên ở Govan", tôi muốn sửa lại thành "Chính vì sinh ra và lớn lên ở Govan, nên ông Alex Ferguson đạt được thành công lớn"".

Theo Daily Mail

Theo Nguồn dantri.com.vn

Bí mật đằng sau những con người thành công có phải là nỗi buồn và bi kịch? - Doanh Nhân