5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger

12/08/2023 03:48

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết chắc thế lực nào đã hậu thuẫn cho nhóm tướng lĩnh quân sự đảo chính quân sự ở Niger, và liệu một cuộc chiến tranh với khối Tây Phi với sự hậu thuẫn của Pháp và phương Tây có xảy ra hay không.

5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger

Người dân ủng hộ cuộc đảo chính quân sự tập hợp trước căn cứ quân sự của Pháp tại thủ đô Niamey vào ngày 11-8 - Ảnh: REUTERS

Đất nước Niger là một thuộc địa cũ của Pháp giành độc lập vào năm 1960, với khoảng 25 triệu dân, trong đó có hơn 10 triệu người (41%) đang sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, và các khoản viện trợ từ nước ngoài chiếm đến 40% ngân khố quốc gia.

Niger được Liên Hiệp Quốc xếp hạng thứ 189/191 về chỉ số phát triển con người, đồng thời cũng là nước nghèo đứng thứ 7 trong số các nước nghèo nhất thế giới.

Trớ trêu thay, Niger cũng đứng hàng thứ 7 trong số những nước xuất khẩu uranium nhiều nhất thế giới, ngoài ra họ cũng có vàng và một mỏ dầu với trữ lượng rất lớn.

Với diện tích lớn (1.267.000km²), giàu tài nguyên và vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực các quốc gia Tây Phi, thế nhưng người dân Niger lại thường xuyên bị nhóm khủng bố hoành hành.

Sự bất ổn về kinh tế và chính trị đã đẩy đất nước Niger vào một tình trạng khủng hoảng và có nguy cơ lan rộng trong cả vùng cận Sahara khi tổng thống đắc cử, Mohamed Bazoum, đã bị lật đổ sau một cuộc đảo chính quân sự ngày 26-7 do Tướng Abdourahamane Tiani lãnh đạo.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết chắc thế lực nào đã hậu thuẫn cho nhóm tướng lĩnh quân sự đảo chính và liệu một cuộc chiến tranh với khối Tây Phi với sự hậu thuẫn của Pháp và phương Tây có xảy ra hay không.

Những yếu tố nào đã làm cho Niger đang yên đang lành lại trở thành một chảo lửa của châu Phi, thậm chí những thế lực phương Tây và cả Nga cũng bị cáo buộc là có những liên quan nhất định?

1. Một Niger khô cằn và đói khổ

Nằm ở trung tâm của khu vực Sahel, Niger là một lãnh thổ sa mạc rộng lớn - được giới hạn ở phía bắc bởi sa mạc Sahara - nằm trong đất liền ở giữa bảy nước láng giềng: Algeria, Benin, Burkina Faso, Libya, Mali, Nigeria và Chad.

Sa mạc lan rộng mỗi năm về phía nam của đất nước và hạn hán thường xuyên xảy ra đe dọa mùa màng và vật nuôi. Vào ngày 6-7 vừa qua, Chính phủ Niger đã phải phân phối miễn phí 42.900 tấn ngũ cốc cho 1,5 triệu người ở 8 vùng nghèo và bị mất mùa.

Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 17% dân số Niger sẽ cần hỗ trợ nhân đạo trong năm nay.

Mặc dù đã giành độc lập nhiều năm, thế nhưng các chính quyền ở Niger vẫn không thể giúp người dân sống khá hơn.

Nghèo đói cùng cực đã làm cho dân Niger mất hết niềm tin tưởng vào Pháp và phương Tây. Sau cuộc đảo chính, họ đã tụ tập đốt cờ Pháp và giăng cờ Nga, thậm chí còn hô vang cái tên Wagner (công ty lính đánh thuê đang hiện diện ngày càng nhiều ở châu Phi).

5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger

Người dân ủng hộ lực lượng đảo chính đem theo biểu ngữ ghi "Đả đảo nước Pháp", khi tham gia buổi mít tinh ở sân vận động tại thủ đô Niamey ngày 6-8 - Ảnh: REUTERS

2. Một quốc gia bị khủng bố hoành hành

Đã từ lâu, các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động rất mạnh ở khu vực Sahel. Ở phía đông nam Niger, nhóm Boko-Haram chiếm giữ khu vực xung quanh hồ Chad, giữa Nigeria và Chad, trong khi ở phía tây nam, ngang tầm biên giới với Mali và Burkina Faso, các nhóm Al-Qaeda và Daesh tiếp tục kiểm soát một số lãnh thổ.

Và thế là Niger thường xuyên bị tấn công khiến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nạn nhân thiệt mạng chỉ trong vài năm. Từ tháng 1-2020 đến tháng 8-2022, Bộ Ngoại giao Anh đã ghi nhận không dưới 13 cuộc tấn công.

Trong khi đó Pháp vẫn đang hiện diện khoảng 1.500 quân ở đây, và Mỹ cũng có một căn cứ quân sự tại nước này với 1.000 quân trong sứ mệnh chống khủng bố.

Sự bất lực của Tổng thống Bazoum cùng các đội quân Pháp và Mỹ trước nạn khủng bố cũng là một trong những lý do quan trọng của cuộc đảo chính. Tướng Tiani đã biện minh cho cuộc nổi loạn bằng yếu tố "tình hình an ninh xấu đi".

3. Đảo chính như cơm bữa ở các nước trong khu vực

Kể từ ngày 26-7, Niger đã trở thành quốc gia thứ sáu ở châu Phi cận Sahara xảy ra đảo chính, hoặc âm mưu lật đổ chính quyền bằng vũ lực trong ba năm - sau Sudan, Mali, Guinea, Burkina Faso và Chad.

Trong số các quốc gia này, có tới ba nước chung biên giới với Niger là Burkina Faso, Chad và Mali.

Những tiền lệ đảo chính hàng loạt bởi các tướng lĩnh quân đội đã tạo nên một châu Phi bất ổn, và người ta không loại trừ khả năng nhóm Wagner hoặc Nga đã có sự tiếp tay, giật dây nhất định.

Đặc biệt với các nước láng giềng của Niger bao gồm Mali và Libya, cũng như ở Cộng hòa Trung Phi và Sudan nói riêng và cả ở Burkina Faso và Guinea.

5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger

Không ít người dân Niger đã chọn may cờ Nga đi mít tinh sau khi xảy ra đảo chính ở đất nước - Ảnh: REUTERS

4. Sự bất đồng thuận trong khối Tây Phi

Trong khi các nước phương Tây đồng loạt lên án cuộc đảo chính quân sự và vụ bắt cóc Tổng thống Bazoum ở Niger, thì các nước châu Phi lại không thống nhất với nhau.

Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra tối hậu thư, không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Niger, thì Burkina Faso và Mali lại tuyên bố ủng hộ phe đảo chính bằng cách "bày tỏ tình đoàn kết anh em với những người anh em của Niger, những người đã quyết định chịu mọi trách nhiệm để tự nắm lấy vận mệnh của mình và đảm nhận trước lịch sử toàn bộ chủ quyền của họ".

Và cứng rắn hơn với tuyên bố: một cuộc can thiệp quân sự vào Niger nhằm khôi phục Tổng thống đắc cử Bazoum chính là tuyên chiến với Mali và Burkina Faso.

5. Giàu tài nguyên khoáng sản cũng khổ

Niger có trữ lượng uranium lớn và hiện là nước xuất khẩu uranium đứng thứ 7 toàn cầu, quốc gia này cung cấp hơn 25% uranium cho châu Âu và vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của lục địa già vào năm 2021, trước khi bị Kazakhstan (gần 27%) đẩy xuống vị trí thứ hai vào năm ngoái.

Tại Pháp, Niger là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba, đóng góp 19% nguồn cung cấp từ năm 2005 đến 2020, sau Kazakhstan và Úc.

Ngoài uranium, Niger còn có nguồn tài nguyên vàng đáng kể và một mỏ dầu trữ lượng lớn ở phía đông nam tại Agadem.

Những nguồn tài nguyên này là một trong những lý do chính khiến các cường quốc thèm khát Niger và những thế lực ngoại quốc đứng sau lưng đang tìm cách lôi kéo, gây ảnh hưởng và kiềm chế Niger nhằm hưởng lợi từ việc khai thác.

Tình trạng nghèo đói, nơm nớp lo sợ khủng bố và chuyên sống nhờ viện trợ đã làm cho người dân Niger phải khốn khổ đến cùng cùng cực.

Cuộc đảo chính của giới quân sự dù đúng hay sai cũng sẽ đẩy đất nước Niger vào một tình trạng tồi tệ hơn nữa qua các lệnh cấm vận và trừng phạt ngay lập tức từ các nước phương Tây, mà điển hình là việc cắt các nguồn viện trợ lương thực và hàng triệu USD từ Mỹ, Liên minh châu Âu, Pháp và Đức…

Và nếu khối Tây Phi can thiệp quân sự, chiến tranh nổ ra, thì đúng là "địa ngục trần gian" đối với người dân Niger.

Khí hậu sa mạc khắc nghiệt đã là kém may mắn, giàu tài nguyên khoáng sản mà không thể tự chủ đôi khi lại là một mối họa, thành một con mồi béo bở cho các cường quốc phân chia xâu xé.

5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger

Niger bên bờ vực chiến tranh

Sau những giằng co như thể nắn gân nhau, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã có những động thái cứng rắn hơn, trong khi lực lượng đảo chính Niger cũng không tỏ ra sợ hãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Theo Nguồn tuoitre.vn

5 lý do giải thích cuộc khủng hoảng đảo chính ở Niger - TIN TỨC